Sự nghiệp chính trị cho đến khi bị khởi tố, bắt giam Đinh_La_Thăng

Sau khi tốt nghiệp đại học từ Trường Đại học Tài chính Kế toán Hà Nội, Đinh La Thăng bắt đầu sự nghiệp tại Công ty Cung ứng Vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng Thuỷ điện Sông Đà từ vị trí Kế toán viên vào năm 1983, lúc 23 tuổi. Hai năm sau, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 28 tuổi, sau 5 năm công tác, ông lên chức Kế toán trưởng và Bí thư Đoàn thanh niên của công ty. Năm 2003, ở tuổi 43, ông là chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây dựng Thuỷ điện Sông Đà. Trong thời gian này ông tham gia công tác Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, lên đến chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tiếp đó, ông chuyển qua tham gia công tác Đảng trong 2 năm, làm Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế (2003-2005). Năm 2005, ông được cử làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam. Sáu năm sau, năm 2011, ông được bầu làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Việt Nam). Ông giữ chức này trong 5 năm, đến 2016.

Từ năm 1983 đến năm 1988, ông công tác tại Công ty Cung ứng Vật tư thuộc Tổng công ty Xây dựng Thuỷ điện Sông Đà, là Kế toán viên, Phó kế toán trưởng, Kế toán trưởng công ty, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên Công ty. Ngày 15 tháng 9 năm 1985, ông gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.[12]

Từ năm 1989 đến năm 1994, ông lần lượt giữ các chức vụ Phó kế toán trưởng, Kế toán trưởng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Tổng công ty Xây dựng thuỷ điện Sông Đà, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng công ty Xây dựng thuỷ điện Sông Đà, Ủy viên Trung ương Hội Kế toán Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Kế toán ngành Xây dựng.

Từ năm 1995 đến tháng 3 năm 2001 ông lần lượt giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty Sông Đà; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Từ tháng 4 năm 2001 đến tháng 10 năm 2003, ông là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà. Ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội Khoá XI nhiệm kì 2002-2007 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Gia Lai, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Ủy viên Trung ương Hội Kế toán Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Kế toán ngành Xây dựng, Ủy viên Ban Thường vụ Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Các nhà doanh nghiệp trẻ Việt Nam.

Từ tháng 11 năm 2003 đến tháng 12 năm 2005, ông là Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên – Huế; Đại biểu Quốc hội khóa XI, Ủy viên Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Ông được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) vào ngày 5 tháng 10 năm 2005.

Từ tháng 1 năm 2006 đến tháng 12 năm 2008, ông là Bí thư Ban cán sự Đảng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PetroVietnam. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông còn là đại biểu Quốc hội Khoá XI, Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Từ tháng 12 năm 2008, ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và là đại biểu Quốc hội khóa XIII nhiệm kì 2011-2016 thuộc đoàn đại biểu tỉnh Thanh Hóa.

Tại Kỳ họp thứ nhất, theo đề nghị của Thủ tướng chính phủ Việt Nam, Quốc hội khóa XIII ngày 3 tháng 8 năm 2011 phê chuẩn ông làm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (Việt Nam) với tỷ lệ phiếu ủng hộ đạt 71,2%.[13]

Tháng 1 năm 2016 tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, ông Đinh La Thăng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.

Ngày 5 tháng 2 năm 2016, ông được Bộ Chính trị phân công giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.[14][15]

Tháng 7 năm 2016, ông được bầu giữ chức Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 7 tháng 5 năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quyết định thi hành kỷ luật ông Đinh La Thăng bằng hình thức cảnh cáo và cho thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII với tỉ lệ phiếu biểu quyết rất cao, trên 90%. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khẳng định những khuyết điểm, những sai phạm khi còn làm ở Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là "rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng".[16]

Phản ứng quyết định trên vào ngày 10 tháng 5, ông Thăng cho biết: "Quyết định thi hành kỷ luật của Ban chấp hành Trung ương đối với tôi là có lý có tình, thể hiện sự đoàn kết, tập trung thống nhất cao; cũng như tạo điều kiện cho tôi có cơ hội khắc phục khuyết điểm, hạn chế".[17]

Ngày 10 tháng 5 năm 2017, Bộ Chính trị phân công ông Đinh La Thăng thôi giữ chức Bí thư Thành ủy TP.HCM (nhiệm kỳ 2015 – 2020), giữ chức Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương Đảng.

Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải

Phát biểu khi nhậm chức

Phát biểu với báo giới sau khi được Quốc hội phê chuẩn vào chức bộ trưởng, ông cho rằng:

Bộ trưởng là tư lệnh lĩnh vực ngành phải cho tôi toàn quyền. Tư lệnh ra chiến trường phải được toàn quyền quyết định chiến đấu, tiến hay lùi, nếu chờ xin phép thủ trưởng ở nhà thì sẽ lỡ cơ hội.
"Bộ Giao thông sẽ tập trung giải quyết ba khâu đột phá chiến lược. Thứ nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, thứ hai là tình trạng tai nạn giao thông, thứ ba là ùn tắc giao thông. Tôi sẽ thực hiện quyết liệt ba vấn đề trên"... "Tôi cho rằng khi đất nước có đủ điều kiện thì mới làm đường sắt cao tốc. Trong 5 năm tới nếu kinh tế phát triển đến mức độ nào đó thì sẽ làm đường sắt cao tốc, còn nếu chưa được như vậy thì phải tính toán ở thời điểm khác thích hợp hơn". "Bộ Giao thông sẽ ưu tiên đầu tư đường bộ cao tốc Bắc Nam, nâng cấp đường sắt hiện có, cân đối phát triển đường quốc lộ, tỉnh lộ, giao thông nông thôn."[18]

Tiêu hủy xe đua

Đầu tháng 10 năm 2011,[19] khi được biết thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị phải tịch thu phương tiện của các đối tượng tham gia đua xe, ông đồng tình với việc phải xử lý nghiêm hành vi trên và bản thân từng kiến nghị không chỉ tịch thu mà phải tiêu hủy phương tiện đua xe. Tuy nhiên, đề xuất này không chấp thuận vì nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm lãng phí. Theo ý kiến của Nguyễn Đức Nhanh (giám đốc Công an Hà Nội) thì phải tịch thu toàn bộ phương tiện. Sau khi tịch thu, cần bán đấu giá để lấy tiền đưa vào các quỹ từ thiện như quỹ người nghèo, thiên tai, chất độc da cam,...[20]

Cấm nhân viên chơi golf và vận động nhân viên đi xe buýt

Quy định cấm chơi golf thể hiện tại Công văn số 6630/BGTVT-TCCB do Đinh La Thăng ký ngày 17 tháng 10 năm 2011, trong đó quy định: "các đồng chí lãnh đạo thuộc diện bộ quản lý từ cấp vụ và tương đương trở lên không chơi gôn, không tổ chức hoặc tham gia các giải gôn".[21] Đây là một quyết định gây tranh cãi khi có rất nhiều người ủng hộ nhưng cũng nhiều người phản đối. Nó trở thành thông tin nóng trên các trang web. Trước đó, sân golf Hoàng GiaNinh Bình được đầu tư xây dựng quy mô có vốn đầu tư của Tập đoàn dầu khí mà chính ông Thăng là Chủ tịch của Tập đoàn này.[22] Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật thuộc Bộ Tư pháp Việt Nam - cho rằng văn bản 6630 (yêu cầu lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải không chơi golf) có nội dung sai thẩm quyền, vi phạm quyền cán bộ công chức,...[23]

Tháng 10 năm 2011, Đinh La Thăng ra công văn 6323/BGTVT-VT ghi rõ: "yêu cầu cán bộ công nhân viên chức trong cơ quan, đơn vị sử dụng xe buýt đô thị tối thiểu 1 ngày trong 1 tuần. Định kỳ báo cáo (trước ngày 25 hàng tháng) tình hình triển khai thực hiện".[24] Tuy nhiên, hai tháng sau, khi có thông tin phản ánh rằng có rất ít cán bộ nhân viên Bộ GTVT hưởng ứng, ông Thăng lại cho rằng đây là văn bản khuyến khích, động viên tinh thần cán bộ nhân viên ngành đi xe buýt chứ không bắt buộc và sẽ không phạt nhân viên nếu họ không chấp hành văn bản trên.[25] Sau khi đi thử xe buýt công cộng, ông Thăng cũng cho biết: "Thực tế, với tình hình chất lượng xe buýt như hiện nay thì đến tôi còn chẳng thể đi nổi, làm sao mà bắt buộc anh em phải đi được."[25]

Thay đổi giờ làm việc công sở và giờ học

Từ tháng 10 năm 2011, Đinh La Thăng đã đề xuất lên thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lịch trình thay đổi giờ làm công sở, giờ học các trường trung học phổ thông để giảm ùn tắc giao thông, thử nghiệm trước hết tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.[26] Hà Nội đã thay đổi giờ học các trường phổ thông từ ngày 1 tháng 2 năm 2012, trong đó các học sinh đi học từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối.[27] Những sự thay đổi giờ làm việc công sở và giờ học của các trường phổ thông này đã gây xôn xao dư luận và xáo trộn giờ giấc của nhiều người, mặc dù tình trạng ùn tắc giao thông vẫn xảy ra.[28] Đề xuất này đã dấy lên nỗi bất bình trong đa số người dân có người thân hiện đang là học sinh.

Đề xuất hạn chế xe cá nhân và tăng phí lưu thông ô tô và xe máy

Tháng 11 năm 2011, Đinh La Thăng đã đề nghị Quốc hội Việt Nam bố trí khoản ngân sách 40.000 tỷ đồng, thu vượt từ dầu thô, cho các công trình trọng yếu của ngành giao thông vì "Hiện Bộ GTVT không còn tiền để đầu tư hạ tầng".[29]

Để tránh ùn tắc giao thông và quá tải của đường phố, cùng với việc đổi giờ làm việc và giờ học, ông Thăng còn đề xuất hạn chế xe cá nhân và tăng phí lưu thông ô tô và xe máy, như thu phí lưu thông xe máy 500.000 đến 1 triệu đồng/năm và phí lưu thông ô tô từ 20 đến 50 triệu đồng/năm.[30][31] Theo ông thì "việc thu phí lưu hành để sử dụng vào nhiều mục đích, nên người sử dụng phương tiện cá nhân phải có đóng góp cho đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, và thực hiện các giải pháp giảm tai nạn giao thông. Với các thành phố lớn, thường xuyên ùn tắc, đã có thu thêm phí vào nội đô".[31] Cũng theo ông Thăng, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ cũng như thông điệp của ngành giao thông là "hành động và hành động", và không thể nói các giải pháp mà không hành động được.[31]

Nhiều ý kiến cho rằng việc đề xuất tăng phí lưu hành xe ô tô lên 20–50 triệu đồng/năm của Bộ trưởng Thăng và Chính phủ là "đổ gánh nặng sang dân", "cào bằng giàu - nghèo", "phí chồng lên phí",...[32][33][34] Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản Giao thông, nói: "...khi mua ô tô hay xe máy đã phải chịu năm loại phí: thuế nhập khẩu, thuế trước bạ, tiền biển số, phí duy tu cầu đường (qua xăng dầu), phí gửi xe… vì vậy, việc người dân phải "cõng" thêm một khoản phí nữa sẽ là "phí chồng phí", ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống, tạo nên sự bức xúc, giảm lòng tin vào ngành giao thông, bởi người dân không hiểu tại sao quyền đi lại của họ bị hạn chế, mọi "tội lỗi" gây ra ùn tắc đều đổ hết lên đầu họ, trong khi cầu đường, phương tiện công cộng (điều nhà nước phải đáp ứng) lại quá yếu kém, lạc hậu".[35] Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng bản chất của câu chuyện tăng phí và thu phí phương tiện là "Đẩy khó khăn cho người dân", là "Làm gánh nặng tài chính của mỗi gia đình càng thêm nặng nề".[29]

Ban hành 12 điều cấm

Tháng 3 năm 2014, Đinh La Thăng ký Quyết định số 592 quy định những điều Ban Quản lý dự án và công chức trực thuộc không được làm khi quản lý các dự án do Bộ GTVT giao, nhằm siết chặt kỷ cương, chất lượng công trình và tránh hối lộ, tham nhũng.[36][37]

Cách chức tổng giám đốc công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội

Ngày 3 tháng 2 năm 2016, Đinh La Thăng đã ký Văn bản số 1484 kiểm điểm cán bộ thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc giao cho các đơn vị đường sắt trực tiếp thương thảo, ký hợp đồng và làm thủ tục mua toa xe đã qua sử dụng của Trung Quốc, đồng thời chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho ông Nguyễn Viết Hiệp thôi làm người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội; chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội cách chức Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Viết Hiệp. Trước đó, Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội đã trình phương án mua lại hơn 160 toa xe cũ từ Trung Quốc lên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.[38]

Trách nhiệm bổ nhiệm Dương Chí Dũng

Tại phiên thảo luận tổ ngày 24 tháng 5 năm 2012 về đề án tái cơ cấu kinh tế lẫn bên hành lang Quốc hội, vụ tiêu cực tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đã khiến các đại biểu Quốc hội Việt Nam đặt ra nhiều vấn đề gấp rút trong điều chỉnh cơ chế chính sách với doanh nghiệp nhà nước. Các đại biểu đã yêu cầu Đinh La Thăng giải trình trách nhiệm khi bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải Dương Chí Dũng. Giải trình của ông Thăng thiếu sức thuyết phục và không nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu.[39]

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh 

Phát biểu khi nhậm chức

Khi phát biểu tại lễ công bố quyết định của Bộ Chính trị, ông chia sẻ:[40]

Kể từ giờ phút này, toàn bộ tâm trí của tôi sẽ dành cho một việc duy nhất là cùng với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kế tục một cách xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của thành phố

Quá trình công tác

Nhận chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 5 tháng 2 năm 2016 nên sau kỳ nghỉ Tết, ngay từ đầu năm ông đã chỉ đạo ngưng chúc tụng đầu năm, tập trung vào việc cũng như chỉ đạo thành lập đường dây nóng, phải giảm tội phạm trong vòng ba tháng,...[41][42] Tuy nhiên tại hội nghị 3 tỉnh TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương, theo Thiếu tướng Phan Anh Minh – Phó Giám đốc Công an TP.HCM, trong dịp tết Nguyên đán vừa qua, trên địa bàn TP.HCM tình hình phạm pháp hình sự giảm, tuy nhiên tháng 3 này lại tăng. Thậm chí loại tội phạm trộm, cướp giật tăng 15%-20%.[43]

Bổ nhiệm Vũ Đức Thuận

Trong năm 2016, ông Vũ Đức Thuận, người đang bị tạm giam trong vụ án PVC.[44] Theo đài BBC, các báo Việt Nam ngày hôm sau đồng loạt gỡ bản tin này xuống.[45]

Mất chức bí thư

Ngày 10 tháng 5 năm 2017, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật. Đinh La Thăng bị Bộ Chính trị cách chức Bí thư Thành Ủy Thành phố Hồ Chí Minh và được điều động sang chức vụ Phó trưởng ban kinh tế trung ương. Người kế nhiệm ông tại vị trí cũ là Nguyễn Thiện Nhân.[46][47]

Đại biểu Quốc hội Việt Nam

Khóa XI tỉnh Gia Lai

Đinh La Thăng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XI nhiệm kì 2002-2007 thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai. Lúc này ông đang là Uỷ viên Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Sông Đà, Ủy viên Thường vụ Công Đoàn XD Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội kế toán Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội kế toán ngành XD, làm việc ở Tổng công ty Sông Đà.[48]

Khóa XIII tỉnh Thanh Hóa

Đinh La Thăng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII nhiệm kì 2011-2016 thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.[49]

Khóa XIV

Trúng cử ở Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày 22 tháng 5 năm 2016, Đinh La Thăng đã trúng cử đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016-2021 ở đơn vị bầu cử số 9, Thành phố Hồ Chí Minh, gồm các huyện Củ ChiHóc Môn, được 509.447 phiếu, đạt tỷ lệ 85,02% số phiếu hợp lệ.

Chuyển về Thanh Hóa

Tháng 5 năm 2017, ông Đinh La Thăng chuyển về sinh hoạt ở đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (không rõ đại diện cho cử tri huyện nào), huyện Củ ChiHóc Môn của Thành phố Hồ Chí Minh mất một đại biểu Quốc hội. Tại cuộc họp báo trước kỳ họp thứ ba của Quốc hội Việt Nam khóa XIV vào chiều ngày 19 tháng 5 năm 2017, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư kí Quốc hội Việt Nam khóa XIV cho biết về căn cứ pháp lý của việc thuyên chuyển này như sau: "Ông Đinh La Thăng có đơn thôi chức ủy viên Bộ Chính trị và đã được Ban chấp hành Trung ương Đảng đồng ý. Thôi chức ủy viên Bộ Chính trị tức là thôi chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, thôi Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh”, ông Đinh La Thăng có nguyện vọng chuyển sinh hoạt về đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, đồng thời đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng có văn bản đề nghị cho ông Đinh La Thăng về sinh hoạt tại đoàn Thanh Hóa, "Hai đề nghị như thế nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, nhất trí về việc chuyển sinh hoạt đoàn đại biểu Quốc hội đối với ông Đinh La Thăng từ đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh về đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa”.[50] Theo báo VnExpress, ngày 10 tháng 5 năm 2017, Đảng đoàn Quốc hội đã gửi cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa văn bản thông báo đề nghị Đoàn cho ý kiến về việc ông Đinh La Thăng có nguyện vọng chuyển sinh hoạt từ đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM về đoàn đại biểu Quốc hội Thanh Hóa. Vào ngày 11 tháng 5 năm 2017, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng ký công văn gửi Đảng đoàn Quốc hội và trưởng Ban công tác đại biểu (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) để trả lời văn bản ngày 10 tháng 5 của Đảng đoàn Quốc hội. Văn bản này cho biết tất cả các thành viên Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đều đồng thuận về việc ông Đinh La Thăng chuyển sinh hoạt về Đoàn. Trong công văn có đoạn nêu lí do như sau: "Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011-2016), ông Đinh La Thăng ứng cử tại đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Thanh Hóa và trúng cử với tỉ lệ phiếu bầu rất cao, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, được cử tri tỉnh Thanh Hóa ghi nhận và đánh giá cao".[51] Đơn vị bầu cử số 1 của tỉnh Thanh Hóa trong cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIII (và khóa XIV) gồm có Thành phố Thanh Hóa, Thành phố Sầm Sơn và các huyện Hoằng Hóa, huyện Đông Sơn.[52]

Đình chỉ nhiệm vụ Đại biểu Quốc hội

Ngày 8 tháng 12 năm 2017, Ủy ban thường vụ Quốc hội Việt Nam khóa XIV đã biểu quyết và thông qua việc khởi tố bị can, bắt tạm giam, khám xét và tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với Đinh La Thăng (Nghị quyết số 456/NQ-UBTVQH14).[53][54] Ngay sau đó, ông bị bắt.

Mất quyền đại biểu Quốc hội

Ngày 14 tháng 5 năm 2018, sau khi hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội y án sơ thẩm 13 năm tù đối với Đinh La Thăng, Đinh La Thăng bị mất quyền đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14.[54][55]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đinh_La_Thăng http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39736141 http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/09/1609... http://www.hangkhonghanoi.com/trung-tam-dich-vu-ha... http://www.mariecuriehanoischool.com/guong-mat-mar... http://www.nguoi-viet.com/viet-nam/dinh-la-thang-n... http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/01/ngay-1-2-ha... http://vnexpress.net/gl/xa-hoi/2012/05/thu-tuong-y... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/goi-so-0888-2... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/nhung-hanh-do... http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ong-dinh-la-t...